Rối loạn tiền đình là một bệnh lý xuất hiện nhiều ở độ tuổi trưởng thành và người cao tuổi tại nước ta, bệnh lý này thường kèm theo các triệu chứng như: chóng mặt, hoa mắt, ù tai, mất ngủ, cơ thể mệt mỏi,…gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe của người bệnh.
Vậy rối loạn tiền đình là bệnh gì? Phương pháp điều trị như thế nào? Chúng ta cùng tìm hiểu trong nội dung bài viết sau đây.
1. Rối loạn tiền đình là bệnh gì?
Tiền đình là một cơ quan bộ phận thuộc hệ thần kinh trung ương nằm ở phía sau hai bên ốc tai, có chức năng đảm nhiệm vai trò điều chỉnh cân bằng tư thế và các hoạt động, phối hợp các bộ phận cử động như mắt, tay chân, đầu, thân mình,…giữ thăng bằng cơ thể khi di chuyển hoặc vận động.
Rối loạn tiền đình là tình trạng mất thăng bằng về cơ thể dẫn đến xuất hiện các triệu chứng như chóng mặt, hoa mắt, ù tai, buồn nôn, quay cuồng, đứng không vững và dễ ngã. Các triệu chứng này xuất hiện đột ngột và thường xuyên tái phát lại gây khó chịu cho người bệnh, ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống, công việc và sức khỏe của người bệnh.
2. Hai loại rối loạn tiền đình thường gặp
Thông thường sẽ có hai loại rối loạn tiền đình thường gặp sau đây:
Do tổn thương các dây thần kinh ngoại biên, các mạch máu sau gáy cổ bị tắc nghẽn, các tổn thương tai trong dẫn đến rối loạn tiền đình. Loại bệnh lý này không nguy hiểm đến tính mạng người bệnh, thường xuất hiện luôn các triệu chứng chóng mặt và mất thăng bằng khi thay đổi tư thế gây khó khăn và khó chịu cho người bệnh trong sinh hoạt và làm việc. Đa số mọi người khi mắc rối loạn tiền đình đều thuộc dạng loại do ngoại biên này gây ra.
Dạng bệnh này thường ít khi mắc phải, tuy nhiên hậu quả của nó lại nặng và khó điều trị hơn dạng rối loạn tiền đình ngoại biên. Thông thường dạng bệnh này liên quan đến thiểu năng tuần hoàn não, tổn thương ở thân não, tiểu não, xơ vữa động mạch dẫn đến máu không được cung cấp đủ cho não bộ gây ra các triệu chứng khiến người bệnh choáng váng, chóng mặt, hoa mắt, ù tai, quay cuồng, nôn ói và thậm chí là ngã.
Vậy nguyên nhân nào dẫn đến chứng bệnh rối loạn tiền đình này?
3. Nguyên nhân gây ra rối loạn tiền đình
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh, thường được chia thành 2 nhóm nguyên nhân sau:
-
Nhóm nguyên nhân ngoại biên
- Viêm dây thần kinh tiền đình
- Nhiễm virus, nhiễm trùng, nhiễm độc gây viêm dây thần kinh ngoại biên
- Bệnh Zona thần kinh, thủy đậu, quai bị, hạch,…
- Tiểu đường
- Viêm tai giữa
- Tăng ure huyết
- Tổn thương tai trong
- Sỏi nhĩ
- Rượu, bia, ma túy, thuốc lá
- Căng thẳng quá mức
- Hội chứng say tàu xe
- Bệnh tai mũi họng
- Bệnh rối loạn thần kinh thực vật
-
Nhóm nguyên nhân trung ương
- Thiểu năng tuần hoàn não
- Thiếu máu não
- Chấn thương sọ não
- Co thắt động mạch cột sống gây thiếu máu lên não do lười vận động, ngồi nhiều
- Bệnh tim mạch
- U tiểu não
- Thoái hóa cột sống cổ
- Hạ huyết áp tư thế
- Đau nửa đầu migraine
Ngoài 2 nhóm nguyên nhân chính trên thì nguyên nhân do di truyền và môi trường sống cũng là tác nhân gây ra bệnh rối loạn tiền đình. Thường xuyên sống trong môi trường ô nhiễm, độc hại, bụi bẩn, nhiều tiếng ồn, nhiệt độ thời tiết thay đổi thất thường cũng là những nguyên nhân thường gặp.
Dấu hiệu nhận biết bệnh rối loạn tiền đình là gì?
4. Triệu chứng của bệnh
Triệu chứng của bệnh rất đa dạng, tùy thuộc vào tình trạng của bệnh và cơ địa của người bệnh mà có những dấu hiệu khác nhau. Thông thường người rối loạn tiền đình thường có các triệu chứng sau:
Chóng mặt, quay cuồng: Người bệnh thường xuyên cảm thấy chóng mặt, quay cuồng, đồ vật khung cảnh xung quanh quay tròn, kèm theo đó là các triệu chứng của bệnh rối loạn thần kinh thực vật như đổ mồ hôi nhiều, buồn nôn, hồi hộp, lo âu, đánh trống ngực, cảm giác như muốn ngã xuống.
Mất thăng bằng: Do dây thần kinh phát thông tin từ não bộ đến thần kinh tiền đình bị tổn thương, dẫn đến chức năng tiền đình tiếp nhận thông tin bị sai lệnh, dẫn đến người bệnh mất thăng bằng khi di chuyển, đi lại khó khăn.
Nôn ói: Người bệnh cảm thấy buồn nôn, nôn nhiều
Ngất: Một số trường hợp nặng do thiếu máu lên não đột ngột dẫn đến ngất xỉu
Choáng váng khi thay đổi tư thế: Khi thay đổi tư thế hoặc vận động người bệnh cảm thấy đầu óc choáng váng đột ngột, loạng choạng
Mất ngủ, người mệt mỏi, mất tập trung: Thường xuyên mất ngủ, ngủ không ngon, không sâu giấc, khi tỉnh dạy cơ thể không được sảng khoái, uể oải, thiếu tập trung, lờ đờ.
Hạ huyết áp: Huyết áp thường xuyên tăng giảm thất thường.
Thính giác suy giảm: Xuất hiện các triệu chứng ù tai, nghe kém, khó nghe, đau khi có tiếng động, âm thanh mạnh, nhạy cảm với tiếng ồn.
Di chuyển không cân bằng: Người bệnh di chuyển không thăng bằng, giống như người say rượu, phải bám vướu vào người khác để di chuyển, đi dạng hình ziczac
Mạch đập nhanh: Nhịp mạch đập nhanh bất thường, có thể cảm nhận được trên cơ thể.
Chân tay tê bì: Tay chân tê bì, tê buốt, đau mỏi, nhức.
Giảm thị lực: Mắt nhìn kém, hoa mắt, nhạy cảm với ánh sáng.
5. Đối tượng có nguy cơ cao mắc rối loạn tiền đình
Theo nghiên cứu của các chuyên gia về thần kinh cho thấy, có khoảng 40% những người trưởng thành có độ tuổi từ 40 trở lên có nguy cơ cao mắc bệnh lý này. Tuy nhiên, con số đó đang ngày càng gia tăng mạnh và có xu hướng trẻ hóa, xuất hiện ở lớp trẻ nhiều hơn, đặc biệt những người học sinh, sinh viên, dân văn phòng,…
Trong đó, phụ nữ có tỉ lệ mắc bệnh rối loạn tiền đình cao hơn so với nam giới và các triệu chứng của bệnh dễ nhầm lẫn sang bệnh rối loạn thần kinh thực vật hoặc thiểu năng tuần hoàn não nếu không được chuẩn đoán chính xác.
Vì vậy, những đối tượng sau đây thường có nguy cơ rối loạn tiền đình cao:
- Những người có độ tuổi càng cao thì tỉ lệ mắc bệnh càng cao, đặc biệt đối với những người mắc bệnh tiểu đường, xơ vữa động mạch, huyết áp cao,…
- Những người có tiền sử về bệnh thần kinh như rối lọa thần kinh thực vật, thường xuyên chóng mặt, choáng váng,…nguy cơ tái phát nhiều lần
- Những người sống và làm việc trong môi trường ô nhiễm, thường xuyên làm việc ngồi lâu, ít vận động như dân văn phòng, học sinh, sinh viên,…
- Những người mắc chứng bệnh rối loạn lo âu, thường xuyên căng thẳng, stress, áp lực, trầm cảm,…cũng có nguy cơ mắc bệnh cao.
- Những người có tiền sử mắc các bệnh về tai, mũi, họng, tim, thần kinh cũng có nguy cơ
- Những người mắc bệnh thiếu máu lên não.
6. Tác hại của bệnh
Tuy bệnh rối loạn tiền đình không phải là một bệnh lý nguy hiểm mà chỉ là một hội chứng, nhưng gây ra nhiều hệ lụy gây ảnh hưởng đến tâm lý, chất lượng cuộc sống và công việc, sức khỏe của người bệnh rất nhiều. Chính vì thế, khi có những dấu hiệu hoa mắt, chóng mặt, ngất, đi lại khó khăn, ù tai, buồn nôn và nôn người bệnh nên đi thăm khám ở các địa chỉ chuyên khoa thần kinh để được chuẩn đoán chính xác nguyên nhân gây ra bệnh, từ đó có phương pháp điều trị kịp thời, nhằm ổn định lại sức khỏe và cuộc sống.
Một số ảnh hưởng của bệnh rối loạn tiền đình đối với người bệnh:
- Khả năng nghe kém, nhạy cảm với tiếng ồn, ù tai hay thậm chí là có thể dẫn đến điếc.
- Mất ngủ thường xuyên, cơ thể suy nhược, mệt mỏi
- Đi lại khó khăn, không vững, dễ ngã, nguy cơ xảy ra tai nạn không mong muốn
- Choáng váng, đau đầu, chóng mặt kéo dài
- Giảm trí nhớ, kém tập trung, về lâu dài mắc các bệnh lý về não bộ
- Ngất xỉu khi vận động hoặc đang di chuyển
- Chân tay tê buốt, đau nhức
- Đổ mồ hôi nhiều
- Rối loạn nhịp tim kèm theo các triệu chứng hồi hộp, tức ngực, khó thở, lo âu.
- Mạch đập rối loạn
Phòng tránh nguy cơ rối loạn tiền đình như thế nào?
Xem ngay: 5 biến chứng nguy hiểm của bệnh rối loạn tiền đình không nên bỏ qua
7. Phòng tránh nguy cơ rối loạn tiền đình và phương pháp điều trị
Phòng tránh nguy cơ
Để có một sức khỏe tốt nói chung và rối loạn tiền đình nói riêng, giảm nguy cơ mắc bệnh chúng ta nên:
- Thường xuyên tập thể dục đều đặn, đặc biệt vào buổi sáng và buổi chiều.
- Đối với những người như dân văn phòng, học sinh, sinh viên khi ngồi làm việc lâu thường xuyên vận động, thay đổi tư thế, đặc biệt vùng cổ và vai gáy tránh nguy cơ thoái hóa cột sống cổ.
- Giảm căng thẳng, áp lực, lo âu, stress bằng các biện pháp khác nhau như đọc sách, thiền, tập yoga, bơi lội, nghe nhạc nhẹ nhàng,…
- Chế độ ăn uống hợp lý, đúng bữa, ăn đủ chất, ăn nhiều rau, củ, quả, hạn chế sử dụng thực phẩm như đồ chiên nhiều dầu mỡ, đồ ăn nhanh, đồ ăn đóng hộp.
- Hạn chế làm việc trong môi trường ô nhiễm, bụi bẩn, nhiều tiếng ồn. Nếu tính chất công việc bắt buộc phải làm ở môi trường đó, người bệnh nên trang bị các thiết bị giúp bảo vệ khứu giác, thính giác và thị giác.
- Luôn bổ sung nước đầy đủ cho cơ thể, tối thiểu 2 lít/ngày.
- Không lạm dụng quá nhiều chất kích thích như rượu bia, thuốc lá, nicotine, ma túy, chất gây nghiện,…
- Hạn chế việc thay đổi tư thế đột ngột như đứng lên ngồi xuống, quay người quá nhanh
- Cần vệ sinh giấc ngủ đúng cách để giảm nguy cơ mắc các bệnh về thần kinh như thư giãn trước khi ngủ, phòng ngủ thoáng mát, độ ẩm vừa, ít ánh sáng, không tiếng ồn, và sạch sẽ.
Điều trị
Bản thân rối loạn tiền đình không phải là một bệnh lý cụ thể, chỉ là một hội chứng bao gồm các triệu chứng như chóng mặt, buồn nôn, ù tai, hoa mắt, khó di chuyển,…nên không có một phương pháp điều trị cụ thể nào.
Việc điều trị chủ yếu dựa theo nguyên tắc đó là tìm ra nguyên nhân gây ra các triệu chứng trên, từ đó điều trị các nguyên nhân gây ra và các triệu chứng của bệnh. Một số trường hợp nặng mới cần đến phẫu thuật khi thực sự cần thiết theo chỉ định của bác sĩ. Bên cạnh đó, người bệnh nên tuân thủ các biện pháp phòng tránh ở trên và không tự ý sử dụng thuốc khi chưa có chỉ định các bác sỹ.
Xem thêm: Top 5 cách chữa bệnh rối loạn tiền đình không dùng thuốc tại nhà
Trên đây là tổng quan về bệnh rối loạn tiền đình, nguyên nhân, triệu chứng, phòng tránh và điều trị mà Nhà thuốc gửi đến quý bạn đọc. Nếu có sự thắc mắc hoặc nhu cầu cần tư vấn xin vui lòng liên hệ tới nhà thuốc để được tư vấn và giải đáp tận tình nhất.